Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông – cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định ngày 10/10 là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Chủ đề năm 2022 là “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”.
Đến nay, 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; 7/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 34/63 địa phương đã ban hành kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số năm 2022.
Sau quá trình xây dựng, 35/35 nền tảng số quốc gia đã hoàn thành phát triển, công bố và đưa vào sử dụng, trong đó có 31 nền tảng đã đưa vào sử dụng chính thức, 4 nền tảng đang sử dụng thử nghiệm. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá các nền tảng phục vụ chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Cùng với đó, các tỉnh, thành phố đã triển khai phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia; xây dựng 40.590 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 200.000 thành viên tham gia phục vụ công tác chuyển đổi số tại cơ sở.
Đối với việc xây dựng chính phủ số, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ. Đến nay, mạng đã kết nối đến 100% huyện, hơn 97% xã trên toàn quốc.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như bảo hiểm, hộ tịch điện tử, đăng ký doanh nghiệp… được đẩy mạnh triển khai, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Hoạt động của người dân trên môi trường số cũng đã ghi nhận sự tăng trưởng cả về số lượng người sử dụng và thời lượng sử dụng. Việt Nam đang có 8 nền tảng số có số lượng người dùng thường xuyên hằng tháng đạt trên 10 triệu và số lượng các nền tảng số Việt Nam có phát sinh người dùng thường xuyên hằng tháng tăng so với cùng kỳ năm trước là 8,47%.
Tại Phiên họp, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đánh giá các nhiệm vụ được triển khai trong thời gian qua, những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn. Theo chia sẻ của các đại biểu, hiện nay, hệ thống đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương chưa được kiện toàn về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ. Các cán bộ, công chức, viên chức thiếu kiến thức, kỹ năng để thực hiện chuyển đổi số. Lực lượng lao động làm việc trong các ngành nghề khác nhau còn thiếu kỹ năng số trong thực hiện công việc… Đồng thời, các đại biểu cũng đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới.
Phát biểu Kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả tích cực mà bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong việc thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia thời gian qua, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời phân tích, chỉ ra những hạn chế lớn như việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao vẫn còn hạn chế; người dân chưa thấy thuận tiện, dễ dùng khi tiếp cận các nền tảng số; hạ tầng phục vụ chuyển đổi số còn hạn chế; nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số khó khăn…
Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số phải là công cụ quan trọng trong nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Vì thế, để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, nguồn lực cho triển khai chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương vào cuộc, triển khai dứt điểm, quyết liệt và tập trung bố trí nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022. Các bộ, ngành, địa phương phải chia sẻ, kết nối thông tin với nhau; hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số nhiều hơn; khẩn trương ban hành hệ thống văn bản về chuyển đổi số; tập trung tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và hưởng ứng chương trình chuyển đổi số.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông – cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp các văn bản, thường xuyên đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình chuyển đổi số; sớm hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan về chuyển đổi số. Các bộ, ngành khác như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Công an,… có trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với điều kiện thực tế.
Tại Phiên họp, Ủy ban Quốc gia về chuyển đối số đã công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021. Việc xác định Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, tỉnh nhằm theo dõi, đánh giá một cách thực chất và công bằng kết quả chuyển đổi số hằng năm của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, ở nhóm 17 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công, 3 cơ quan dẫn đầu là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Còn ở cấp tỉnh, thành phố, top 5 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số trong năm 2021 lần lượt là Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lạng Sơn. Tỉnh Bắc Kạn xếp thứ 51/63 tỉnh, tăng 8 bậc (năm 2020, Bắc Kạn xếp hạng thứ 59/63 tỉnh, thành phố)./.