Sự đồng lòng của người dân giúp các địa phương chuyển sang bình thường mới

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua mặc dù có việc chưa từng có trong tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng là hợp lý, phù hợp cho từng giai đoạn.

Sự đồng lòng, nhất trí của người dân trước quyết sách chống dịch

Theo chương trình làm việc Kỳ họp 2, hôm nay (8.11), Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội, ngân sách Nhà nước; công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện ngân sách nhà nước.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) – Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, cho tới nay, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được đợt bùng phát lần thứ tư của đại dịch COVID-19 – một đại dịch chưa từng có trong lịch sử.

Các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian qua mặc dù có việc chưa từng có trong tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng là hợp lý, phù hợp cho từng giai đoạn. Bảo đảm yêu cầu chung với những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, có sự đồng lòng, nhất trí của người dân đã giúp cho nhiều địa phương chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, đại biểu Phương Hoa cũng cho rằng, trong công tác phòng, chống dịch vẫn còn có điểm hạn chế như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo của Ủy ban Xã hội.

Đại biểu đoàn Nam Định phản ánh, Chính phủ đã có chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc về lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải có sự quản lý, điều tiết của Chính phủ, kiên quyết không để ban hành giấy phép con, không được cát cứ, chia cắt.

Tuy nhiên, tại một số thời điểm, vì quá lo lắng cho địa phương mình có nơi đã đặt ra những yêu cầu cao hơn, vượt quá mức cần thiết gây ra nhiều khó khăn, tạo bức xúc cho người dân, doanh nghiệp như đặt ra những loại giấy tờ không phù hợp để đi qua các chốt kiểm soát, chưa tạo điều kiện cho người dân từ các TP lớn, khu công nghiệp được về quê tránh dịch….

Trong khi lãnh đạo Chính phủ thì sát sao chỉ đạo, bám sát địa bàn nhưng một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chưa sâu sát, còn chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch.

Đại biểu Hoa nêu dẫn chứng có một số cán bộ địa phương đã có hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch như đi đánh golf trong thời gian giãn cách xã hội, khi bị phát hiện lại khai báo không trung thực; có trường hợp xô xát giữa cán bộ với nhân viên lấy mẫu xét nghiệm; hoặc có trường hợp cán bộ thi hành công vụ còn xa rời thực tế, chưa bám sát nhu cầu của người dân như việc coi bánh mì không phải là mặt hàng thiết yếu…

3 bài học kinh nghiệm

Đại biểu đoàn Nam Định cho rằng, bài học thứ nhất rút ra ở đây là bất cứ việc gì thì cũng cần tạo sự đồng thuận của người dân, nếu người dân chưa hiểu thì cần giải thích, vận động, tuyên truyền, thuyết phục. Và trong những tình thế cấp thiết, khi vi phạm đến mức nghiêm trọng hơn thì đã có biện pháp hành chính, thậm chí xử lý hình sự. Chính quyền cơ sở cần tuyệt đối tránh việc hành xử theo cảm tính, bất chấp quy định của pháp luật.

Bài học thứ hai là, việc đưa ra quyết sách, biện pháp gì thì phải cân nhắc việc bảo đảm sức khỏe, tính mạng và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân lên trên hết, trước hết.

Bài học thứ ba, khi chính quyền đã đưa ra quyết sách đúng, vì lợi ích chung, hợp lòng dân thì dân luôn ủng hộ và chấp hành, kể cả những việc khó khăn, gây bất tiện cho cuộc sống hàng ngày của họ.