Chiều ngày 14/12/2021, tại Hội trường tầng 1 trụ sở HĐND và UBND tỉnh, diễn ra chương trình “Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 – 2025, định hướng năm 2030”. Chương trình dưới sự chủ trì của Đồng chí Nguyễn Đăng Bình Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số.
Chương trình có sự tham dự của các đại biểu: Đồng chí Nguyễn Đăng Bình Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số; Đồng chí Phạm Duy Hưng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XI, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đồng chí Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; Đồng chí Nguyễn Ngọc Sao, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp, Giám đốc VNPT; Đồng chí Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chính quyền điện tử FPT; Các Bộ, Sở ban ngành có liên quan và cơ quan báo đài trong tỉnh.
Tại sự kiện Đề án tổng thể chuyển số tỉnh Bắc Kạn, Đồng chí Nguyễn Đăng Bình Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số phát biểu tại sự kiện về tính cấp bách của việc triển khai chuyển đổi số góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – Xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại tỉnh Bắc Kạn hiện nay đang là yếu tố then chốt, cần chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên: Nông nghiệp, dịch vụ du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và phát triển nhân lực trong chuyển đổi số. Đặt mục tiêu đến năm 2025, Bắc Kạn nằm trong nhóm trung bình kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi các tỉnh, thành phố của cả nước. Chuyển đổi số đóng góp thiết thực, hiệu quả vào phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; nâng cao điều kiện sống cho người dân.
Tại sự kiện, đồng chí Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chính quyền điện tử FPT cho ý kiến: Bắc Kạn có lợi thế và nên tập trung vào Chuyển đổi số cho dân tộc thiểu số; Chuyển đổi số theo ngành; Bên cạnh đó, FPT đề xuất tham gia tư vấn cho tỉnh về đề án Chuyển đổi số.
Phát biểu tại sự kiện, đồng chí Nguyễn Kim Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho biết Đề án Chuyển đổi số Bắc Kạn cần: Chuyển đổi nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số, Thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp, các ngành và sự tham gia của toàn dân quyết định sự thành công của chuyển đổi số.
Cần chuyển đổi số kinh tế số trong giai đoạn 2025, sau đó triển khai xã hội số tổng thể: Triển khai Chương trình đào tạo phổ cập kỹ năng số trong hệ thống giáo dục cũng như cho mọi người dân; Phát triển ứng dụng xã hội số Định danh công dân Bắc Kạn: Định danh và hồ sơ năng lực công dân, cung cấp các tiện ích cơ bản của chính quyền tới người dân; Phát triển và phổ cập các loại hình thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt tạo tiền đề phát triển kinh tế số; Nâng cấp hoàn thiện hạ tầng số cơ bản như cáp quang băng thông rộng, Sóng 4G/5G; Phổ cập kiến thức đồng thời triển khai giải pháp an toàn, an ninh mạng cho người dân. Đảm bảo chuyển đổi số toàn xã hội đi kèm với an toàn, an ninh cho người dân và xã hội.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận thêm nhiều nội dung liên quan về một số chỉ tiêu, khái niệm, lưu ý những khó khăn có thể phát sinh, từ đó đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thiện nhiều nội dung Đề án.
Mục tiêu, giai đoạn 2021 – 2025, phấn đấu toàn tỉnh có từ 2 doanh nghiệp công nghệ số trở lên; giai đoạn 2026 – 2030, duy trì hoạt động của các doanh nghiệp số ở giai đoạn trước và tiếp tục phấn đấu hình thành thêm 5 doanh nghiệp công nghệ số trở lên.
Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, cùng với giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về doanh nghiệp công nghệ số, UBND tỉnh giao các ngành chức năng nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp công nghệ số; hỗ trợ việc đăng ký và thành lập doanh nghiệp công nghệ số mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số trong xây dựng, triển khai các chương trình, đề án, dự án về chính quyền điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh và tiếp cận, gia nhập thị trường; triển khai thử nghiệm cho các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm ứng dụng công nghệ số trên địa bàn tỉnh, …
Chuyển đổi số phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đồng thời tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp ngành, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời đơn vị soạn thảo phải căn cứ vào Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) và Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” để hoàn thiện Đề án trên cơ sở đóng góp ý kiến của các sở, ban, ngành.
Ban truyền thông Hiệp hội doanh nghiệp