Hợp tác xã Thiên An được thị trường đón nhận các sản phẩm về vải lụa và các bài thuốc lá đông y |
Là 1 trong các hợp tác xã có nhiều chuyển biến tích cực nhất, HTX Thiên An tập trung sản xuất cây dược liệu thành các sản phẩm hàng hóa như thuốc tắm cho người lớn, trẻ em và phụ nữ sau sinh; thuốc xoa bóp, cao gắm giúp cải thiện sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, HTX cho ra đời nhiều sản phẩm khẩu trang, gối bằng thổ cẩm đẹp mắt.
Để sản phẩm trở thành hàng hóa, thời gian qua, HTX Thiên An đã tích cực xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của HTX, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao cả về hình thức, chất lượng sản phẩm. Đến nay, HTX Thiên An đã có 4 sản phẩm là Phục dưỡng hoa, Mộc vượng xuân, An mộc nhi, Thảo dược ngâm chân Thiên An được công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao.
Năm 2020, HTX Thiên An đã được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số để quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm của địa phương trên môi trường mạng. Hiện nay, HTX có trang website với địa chỉ truy cập http://hoptacxathienan.com để quảng bá về các sản phẩm và tư vấn bán hàng một cách chuyên nghiệp; sản phẩm của HTX đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Voso và Postmart… Ứng dụng công nghệ thông tin nên việc quản lý hàng hóa, khách hàng, doanh thu của HTX được thực hiện một cách hiệu quả và khoa học.
Chị Lý Thị Quyên – Giám đốc HTX Thiên An cho biết, hiện nay, ngoài việc được bày bán trong gian hàng của HTX, các sản phẩm được HTX tích cực giới thiệu, bán qua zalo, facebook, website của HTX và các sàn thương mại điện tử. Qua kênh bán hàng trên mạng, nhiều khách hàng biết đến các sản phẩm của HTX và đặt hàng nhiều hơn kênh bán hàng truyền thống. HTX vận chuyển hàng hóa đến với khách hàng thông qua dịch vụ bưu điện, chuyển phát nhanh của Viettel nên rất nhanh chóng, thuận lợi.
Phát triển nghề sản xuất miến dong truyền thống của gia đình, năm 2018, chị Nguyễn Thị Hoan (xã Côn Minh, huyện Na Rì) đã thành lập HTX Tài Hoan chuyên sản xuất miến dong. Ngay từ khi tỉnh triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, HTX Tài Hoan đã chủ động tham gia Chương trình, sản phẩm miến dong của HTX đã được hoàn thiện hơn về các tiêu chuẩn: Quản lý chất lượng tiên tiến, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác, yếu tố môi trường sản xuất, nâng cao kiến thức xúc tiến thương mại, bán hàng… Do vậy, sản phẩm miến dong Tài Hoan được thị trường, khách hàng đón nhận. Hiện nay, sản phẩm của HTX đã được tiêu thụ trên cả nước (các chợ đầu mối, Siêu thị Big C toàn miền Bắc, một số công ty, chuỗi cung ứng nông sản, chuỗi bán lẻ…) và xuất khẩu ra nước ngoài. Năm 2021, miến dong Tài Hoan đã được công nhận là 1 trong 20 sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia đầu tiên tại Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị Hoan – Giám đốc HTX Tài Hoan chia sẻ, để đạt được những kết quả như hiện nay, trong quá trình phát triển, HTX đã đẩy mạnh công việc chế biến miến dong theo hướng hàng hóa, từng bước đầu tư công nghệ hiện đại trong sản xuất gắn liền với yếu tố bảo vệ môi trường. HTX luôn quan tâm đến chất lượng, nâng cao kiến thức về quản trị doanh nghiệp, xúc tiến thương mại… để phát huy nội lực ngày càng phát triển hơn.
Theo chị Nguyễn Thị Hoan, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất miến dong theo hướng hàng hóa, áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, nâng cao chất lượng và đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước trong thời gian tới, HTX mong muốn tiếp tục được các cấp, các ngành hỗ trợ trong việc nâng cao năng lực sản xuất cho các hộ thành viên để sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường (VietGAP, hữu cơ…) nhằm gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm cây dong riềng tỉnh Bắc Kạn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 300 HTX với trên 2.600 thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Để phát triển bền vững, một số HTX đã tích cực chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều HTX vẫn còn gặp khó khăn trong chuyển đổi số do các HTX còn hạn chế về trình độ, năng lực quản trị, thiếu kinh phí đầu tư trang thiết bị hiện đại để áp dụng vào sản xuất… Các HTX trên địa bàn tỉnh hiện đang mong muốn được tham gia nhiều hơn nữa các lớp đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số; được tiếp cận các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể, HTX để thúc đẩy phát triển sản xuất trong thời đại 4.0.